2/3 hệ miễn dịch của trẻ nằm trong đường tiêu hóa. Do đó, để có hệ miễn dịch tốt, bé cần một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Bởi nếu đường ruột có vấn đề, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn liên miên và rối loạn tiêu hóa kéo dài. Không những vậy, trẻ còn dễ bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể do khả năng hấp thu dinh dưỡng kém đi.
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp trẻ khỏe khoắn và thông minh. Bởi cơ quan này đóng vai trò cung cấp 100% năng lượng cho cơ thể, quyết định 80% tình trạng miễn dịch và tham gia vào quá trình phát triển não bộ. Là cha mẹ, bạn cần đảm bảo con yêu có hệ tiêu hóa mạnh khỏe để giúp bé có một hệ miễn dịch vững chắc trong những năm đầu đời.
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh nắm giữ 80% khả năng miễn dịch
Đối với trẻ nhỏ, 3 năm đầu đời là giai đoạn cực kỳ quan trọng, có vai trò đặt nền tảng để trẻ tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh trong tương lai. Trong giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh sẽ trải qua quá trình tăng trưởng và phát triển nhanh chóng, bao gồm cả việc thiết lập hệ vi sinh đường ruột.
Hệ vi khuẩn đường ruột sẽ bao gồm cả vi khuẩn có ích và vi khuẩn gây hại. Tổng lượng vi khuẩn trong hệ vi sinh vật đường ruột ước tính khoảng 100 nghìn tỷ tương đương gần 1,5kg vi sinh bao gồm cả các vi sinh vật có lợi (lợi khuẩn 85%) và các vi khuẩn gây bệnh (15%). Các vi khuẩn có ích sẽ cạnh tranh với vi khuẩn gây hại để niêm mạc đường tiêu hóa phát triển tốt hơn, đồng thời tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn gây hại để giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Trong quá trình hệ tiêu hóa phát triển, hệ miễn dịch của trẻ cũng sẽ phát triển song song. Hệ miễn dịch là một mạng lưới phức tạp gồm các cơ quan, mô, tế bào, protein và các chất có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, tế bào lạ và nhiều loại khác. Hệ miễn dịch có vai trò rất quan trọng đối với trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn 3 năm đầu đời.
Làm sao trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh?
Để tăng cường, nâng cao sức “chiến đấu” cho hệ hệ tiêu hóa cũng như hệ miễn dịch, việc đầu tiên, bạn nên chú ý đến việc cải thiện sự cân bằng vi sinh trong hệ tiêu hóa của trẻ. Bởi nếu hệ vi sinh bị xáo trộn, các vi khuẩn có hại sẽ phát triển lấn át các vi khuẩn có lợi. Điều này sẽ cực kỳ không tốt cho hệ tiêu hóa nói riêng và cả cơ thể của trẻ nói chung.
Sữa mẹ là nguồn cung cấp lợi khuẩn tự nhiên tốt nhất cho trẻ mà không có bất kỳ loại sữa công thức nào có thể thay thế được. Chính vì vậy, mẹ nên cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến khi 2 tuổi để hệ tiêu hóa lẫn hệ miễn dịch của bé có cơ hội phát triển khỏe mạnh.
Trong giai đoạn chuyển tiếp từ sữa mẹ sang thức ăn bổ sung hoặc sữa công thức, mẹ cần lưu ý lựa chọn những thực phẩm phù hợp để bé có đủ enzyme đường tiêu hóa giúp tiêu hóa thực phẩm.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho trẻ, chẳng hạn như khoáng chất kẽm để vừa thúc đẩy hệ miễn dịch phát triển vừa giúp tăng cường sự phát triển của các tế bào mô ruột để bé ăn ngon miệng và hấp thu dưỡng chất tốt hơn.