Kiểm soát tốt đường huyết, giảm cân, uống thuốc theo toa, ngủ đủ giấc… giúp kiểm soát và phòng tránh biến chứng tiểu đường. Những biến chứng này thường xảy ra do đường huyết cao mạn tính. Dưới đây là các cách giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm các biến chứng của tiểu đường.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn uống lành mạnh là một phần quan trọng trong việc điều trị bệnh tiểu đường. Ăn nhiều thực vật hơn, protein nạc (thịt gà, thịt heo nạc, đậu…), chất béo lành mạnh (dầu ô liu, cá béo, các loại hạt…) và ít carbohydrate (tinh bột, đường) có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Xác định thực phẩn chứa carbohydrate, đọc nhãn thực phẩm, đo khẩu phần và đếm lượng carb là những công cụ có giá trị để đạt được mục tiêu ăn kiêng.
Hoạt động thể chất
Tập thể dục thường xuyên và tham gia các hoạt động thể chất khác làm cho các tế bào nhạy cảm hơn với insulin, giảm tình trạng kháng insulin, nhờ đó giảm lượng đường trong máu. Tập thể dục cũng giúp chuyển hóa tim mạch, tăng năng lượng, ngủ ngon hơn và giảm viêm nhiễm.
Nhiều người không tập thể dục đều đặn do thiếu thời gian có thể tìm một hoạt động mà bản thân cảm thấy hứng khởi. Đặt ra các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để giữ động lực và sự tập trung. Chỉ cần làm một vài phút mỗi ngày và làm theo cách của bạn cũng có thể có tác động lớn.
Giảm cân nếu cần
Giảm 5-10% trọng lượng có thể cải thiện khả năng tiết insulin và độ nhạy insulin, giảm cân nhiều dẫn đến cải thiện sự phân bố mô mỡ. Nếu bạn bị tiểu đường và thừa cân thì giảm cân có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu. Trong một số trường hợp, giảm cân đáng kể có thể giảm hoặc ngừng dùng thuốc. Giảm cân còn có thể cải thiện tình trạng tăng cholesterol, chất béo trung tính hoặc tăng huyết áp.
Uống thuốc theo toa
Quản lý thuốc kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục là một phần thiết yếu để đạt được mục tiêu điều trị tiểu đường. Nếu bạn đang dùng thuốc theo toa nhưng nhận thấy đường huyết cao hơn mục tiêu trong vài ngày liên tiếp mặc dù đã nỗ lực tập thể dục và ăn uống lành mạnh thì bạn cần đổi thuốc. Không tự ý dừng dùng thuốc kê đơn nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngủ đủ giấc
Chất lượng giấc ngủ kém và ngủ không đủ giấc là yếu tố nguy cơ dẫn đến kiểm soát kém hoặc tăng đường huyết. Ngủ đủ và sâu giấc là cách giúp quản lý và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường. Bạn có thể thực hiện các mẹo sau để cải thiện chất lượng giấc ngủ như tránh sử dụng thiết bị điện tử 30, cà phê trước khi ngủ; giữ phòng ngủ tối, mát mẻ và yên tĩnh; mặc quần áo thoải mái, rộng rãi… Người bệnh nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm.
Chăm sóc sức khỏe đường ruột
Rối loạn vi khuẩn đường ruột cũng có thể khiến bạn khó ăn uống dẫn đến quản lý bệnh tiểu đường kém. Ăn thực phẩm có chứa prebiotic (chất xơ có trong rau, trái cây, các loại đậu) và men vi sinh (sữa chua, thực phẩm lên men) giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột. Người bệnh tiểu đường có sức khỏe đường ruột tốt có thể quản lý tốt đường huyết.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Căng thẳng có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên do kích thích các hormone căng thẳng cortisol làm tăng kháng insulin. Bệnh tiểu đường có thể gây căng thẳng, nếu có thêm các yếu tố khác như lo lắng hoặc trầm cảm có thể gây khó kiểm soát đường huyết. Nếu đang có các dấu hiệu của trầm cảm như cảm giác buồn bã, vô dụng, mệt mỏi, không hứng thú làm những việc mình yêu thích hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, người bệnh nên đi khám để điều trị.
Bỏ thuốc lá
Nicotine trong khói thuốc lá khiến bạn khó kiểm soát bệnh tiểu đường hơn và có nhiều khả năng gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến bệnh tiểu đường. Bỏ thuốc lá giúp cải thiện bệnh tiểu đường và ngăn ngừa các biến chứng.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Các biến chứng của bệnh tiểu đường có thể bắt đầu trước khi được chẩn đoán. Bạn có thể ngăn ngừa các biến chứng bằng cách phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị. Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra mắt, bàn chân, răng miệng, mạch máu, tim mạch, thận, sức khỏe tổng thể định kỳ… để kịp thời phát hiện các vấn đề sức khỏe liên quan tiểu đường.