Làm thế nào để trẻ phát triển toàn diện ngay từ giai đoạn đầu đời là chủ đề được nhiều cha mẹ quan tâm. Sau đây là 5 thực phẩm giúp trẻ phát triển toàn diện mà bố mẹ nên biết.
Thực phẩm giàu sắt
Sắt là một vi chất quan trọng, có tác dụng cấu tạo nên Hemoglobin (protein có chức năng vận chuyển oxy trong máu, hỗ trợ hô hấp) và Myoglobin (protein lưu trữ oxy trong cơ để duy trì sự sống). Nhờ đó, bổ sung sắt sẽ hạn chế nguy cơ bị thiếu máu, giúp quá trình tuần hoàn máu đi nuôi khắp cơ thể diễn ra suôn sẻ, cho trẻ thêm năng lượng để học hỏi và phát triển.
Để bổ sung sắt, mẹ có thể cho trẻ ăn các thực phẩm từ thịt, hải sản, ngũ cốc, hạt bí ngô, các loại đậu,… Theo đó, với trẻ sơ sinh đến 6 tháng đủ cân, trẻ cần khoảng 0,6 – 1 mg/kg/ngày, với trẻ ở độ tuổi này thiếu cân, lượng sắt trẻ cần dung nạp là 1 – 2 mg/kg/ngày. Trẻ lớn hơn thì nhu cầu dung nạp sắt cũng tăng lên, chẳng hạn như 11 mg/ngày cho trẻ 7 – 12 tháng, 7 mg/ngày cho trẻ đang tập đi, 10 mg/ngày cho trẻ 4 – 8 tuổi.
Thực phẩm giàu axit béo
Mẹ có biết, cho trẻ dung nạp chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa) sẽ giúp phát triển não bộ, cải thiện võng mạc, ngừa nguy cơ béo phì, tăng cường hấp thụ vitamin, điều hòa đường huyết và giúp tinh thần trẻ vui vẻ hơn.
Thông thường, trẻ em từ 0 – 12 tháng nên dung nạp lượng axit béo khoảng 1,5 – 2,3 gr/kg/ngày, còn trẻ 1 – 3 tuổi nên hấp thu 1,5 – 2 gr/kg/ngày. Có thể thấy, dù axit béo quan trọng nhưng cơ thể con người không thể tự sản xuất, vậy nên mẹ nên bổ sung cho trẻ Omega-3, Omega-6 qua các thực phẩm như quả óc chó, dầu hạt, dầu cá, cá hồi, hạt chia, đậu tương, rong biển,…
Thực phẩm giàu đạm
Nếu mẹ đang tìm kiếm thực phẩm giúp trẻ phát triển toàn diện thì đừng bỏ qua các thức ăn giàu đạm. Bởi nó có khả năng giúp chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, tham gia vào quá trình vận động cơ, hỗ trợ quá trình chuyển hóa và cung cấp năng lượng, kích thích hệ miễn dịch của trẻ. Chưa kể, chất đạm còn đóng vai trò then chốt ở nhiều cơ quan quan trọng khác như hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh,…
Chính vì thế, đạm là dưỡng chất không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của trẻ. Nếu trẻ dưới 6 tháng có nhu cầu đạm là 12g/ngày, trẻ 7 – 12 tháng cần 21 – 25g/ngày, trẻ 1 – 3 tuổi cần 35 – 44g/ngày thì trẻ từ 4 – 6 tuổi cần 44 – 55g/ngày. Một vài thực phẩm giàu đạm tốt cho trẻ nhỏ mà mẹ nên tham khảo là sữa, trứng, thịt bò, tôm, các loại đậu, khoai lang, chuối,…
Thực phẩm giàu tinh bột
Tinh bột có tác dụng cung cấp nguồn năng lượng chính cho cơ thể trẻ nhỏ, đảm bảo duy trì ổn định hoạt động của não bộ, hệ thần kinh, mô, cơ quan. Đồng thời, trong tinh bột còn dồi dào chất xơ, Canxi, sắt và các loại vitamin B, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, ngừa loãng xương, thiếu máu,… Theo đó, tinh bột có trong rất nhiều thực phẩm, chẳng hạn như cơm, khoai lang, ngũ cốc, mì ống, yến mạch,…
Với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ nên bổ sung cho con 100 – 200 Kcal/kg/ngày, còn trẻ lớn hơn, mẹ có thể tính lượng tinh bột bằng cách lấy 1000 Kcal + 100 x tuổi.
Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ có vai trò cải thiện hệ tiêu hóa – 1 trong những cơ quan có ảnh hưởng quan trọng nhất đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Nhờ chất xơ, các khối phân sẽ mềm hơn, ngăn ngừa việc táo bón, chướng bụng, tiêu chảy, ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ hoặc túi thừa đại tràng. Đồng thời, chất xơ còn giúp ổn định đường huyết, điều hòa huyết áp và duy trì cân nặng lý tưởng cho trẻ.
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận, để biết 1 ngày trẻ cần bao nhiêu gram chất xơ, mẹ lấy số tuổi + 5 (chẳng hạn, trẻ 5 tuổi cần 5 + 5 = 10gr/ngày).