Trí thông minh cảm xúc EQ giúp trẻ có khả năng đối diện và giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống với thái độ tích cực và sự thấu cảm. Cùng tham khảo 5 khía cạnh của trí thông minh cảm xúc EQ và những cách đơn giản để phát triển EQ cho trẻ ngay từ những năm đầu đời.
Trí thông minh cảm xúc EQ là gì?
Trí thông minh cảm xúc (EQ – Emotional Intelligence) là khả năng nhìn nhận, thấu hiểu và giải quyết cảm xúc một cách hiệu quả.
Nhà tâm lý học Daniel Goleman, người Mỹ, đã liệt kê 5 khía cạnh căn bản của trí thông minh cảm xúc, bao gồm:
– Khả năng tự nhận thức: Luôn tự ý thức cảm xúc của mình và ảnh hưởng của nó đến người khác.
– Khả năng tự kiểm soát: Có thể điều chỉnh các phản ứng trước cảm xúc bằng cách cân nhắc hậu quả trước khi hành động một cách bộc phát.
– Động lực: Có thể kiên trì theo đuổi mục tiêu ngay cả khi đang bị những cảm xúc tiêu cực làm phân tâm.
– Đồng cảm: Có thể hiểu cảm xúc của những người xung quanh.
– Kỹ năng xã hội: Có khả năng quản lý các mối quan hệ tốt và biết hành vi nào sẽ nhận lại phản hồi tích cực từ người khác.
Trẻ có trí thông minh cảm xúc cao (chỉ số EQ cao) sẽ có khả năng vượt qua những thử thách, trở ngại với tinh thần tích cực và có thể trở thành một người bạn tốt, một cộng sự giàu trách nhiệm và một nhà lãnh đạo biết cách xây dựng các mối quan hệ tích cực.
7 cách giúp rèn luyện trí thông minh cảm xúc EQ cho trẻ
Cha mẹ có thể bồi đắp trí thông minh cảm xúc cho trẻ thông qua các bài tập rèn luyện EQ dưới đây:
– Đọc sách cùng con: Thảo luận về cảm xúc và cách giải quyết cảm xúc của các nhân vật, gợi ý cách giải quyết tích cực hơn.
– Kích thích trí tưởng tượng của bé: Cùng con chơi trò chơi phát triển cảm xúc như đóng kịch và nhập vai các nhân vật khác nhau để bé học hỏi về sự đa dạng của cảm xúc.
– Trò chuyện khi con gặp khó khăn: Hỏi con về cảm xúc của bé khi con gặp vấn đề. Giúp bé gọi tên cảm xúc: buồn, giận, choáng ngợp… Hỏi con tại sao bé có những cảm xúc trên.
– Thảo luận chiến lược giải quyết cảm xúc: Hãy cùng trẻ thảo luận về những cách giải quyết, điều tiết cảm xúc khác nhau và kết quả đi kèm. Dạy trẻ học cách kiểm soát cảm xúc như hít thở, tránh đi chỗ khác… để có thêm thời gian suy nghĩ là những kỹ năng quan trọng trong trí thông minh cảm xúc.
– Cùng con giúp đỡ người khác: Cho con tham gia các chương trình tình nguyện, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn để bé xây dựng sự đồng cảm, tăng EQ.
– Khuyến khích con kết bạn với trẻ khác: Chơi đùa cùng bạn giúp con học cách chấp nhận sự khác biệt, tăng khả năng thấu cảm và giải quyết mâu thuẫn với sự thấu hiểu và đồng cảm.
– Thành thật với cảm xúc của bản thân: Cha mẹ hãy làm gương cho bé bằng cách chia sẻ về cảm xúc của mình và thường xuyên hỏi han, lắng nghe con nói về cảm xúc của bé mà không phán xét.