Chăm sóc răng miệng cho trẻ nên được thực hiện từ khi những chiếc răng đầu tiên mọc lên, đảm bảo bộ răng khỏe mạnh để trẻ phát triển một cách toàn diện, đảm bảo sức khỏe tổng thể của trẻ.
Chức năng của răng sữa
Răng sữa thông thường bắt đầu mọc 4 răng cửa dưới vào khoảng 6-7 tháng tuổi và mọc hoàn chỉnh bộ răng sữa từ 3-4 tuổi. Từ 6-8 tuổi, bắt đầu thay 4 răng cửa hàm dưới. Trong giai đoạn này, bắt đầu mọc thêm răng hàm lớn thứ nhất (răng số 6) và hoàn chỉnh bộ răng vĩnh viễn lúc 12-13 tuổi.
Chức năng của răng sữa:
– Nghiền nát thức ăn
– Phát âm
– Thẩm mỹ
– Giữ khoảng cho răng vĩnh viễn
Tác hại của việc chăm sóc răng miệng cho trẻ không đúng cách:
– Không chăm sóc răng cho trẻ đúng cách có thể dẫn đến các bệnh lý sau:
– Sâu răng
– Viêm lợi
– Viêm quanh răng
– Răng lung lay
Khi trẻ mắc các bệnh lý về răng miệng, miệng trẻ thường có mùi hôi. Đau răng gây biếng ăn, nặng hơn có thể mất ngủ, sút cân, kéo dài có khả năng dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của trẻ.
Cách chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách
Chăm sóc răng miệng cho trẻ nên được thực hiện thường xuyên, ngay từ khi chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên. Tập thói quen chăm sóc răng miệng sớm giúp trẻ có hàm răng khỏe mạnh và phòng chống được các bệnh về răng miệng.
– Đối với trẻ chưa mọc răng: Bố mẹ vệ sinh nướu lưỡi cho trẻ bằng khăn sạch với nước hai lần một ngày hoặc sau khi bú sữa mẹ.
Khi trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên, sử dụng khăn sạch lau mặt trước và mặt sau của răng.
– Chăm sóc răng miệng cho bé 1 tuổi: Thời điểm này, trẻ có thể sử dụng bàn chải dành cho bé từ 1 – 2 tuổi và chải răng bằng nước sạch.
– Chăm sóc răng miệng cho trẻ được 18 tháng tuổi: Trẻ có thể sử dụng kem đánh răng chứa hàm lượng fluor thấp. Sử dụng kem đánh răng với một lượng nhỏ và hướng dẫn cho trẻ biết nhổ kem đánh răng ra sau mỗi lần đánh răng.
– Chăm sóc răng miệng cho trẻ mầm non: Từ 4-5 tuổi, trẻ em bắt đầu học cách tự chăm sóc răng miệng. Khi trẻ không có khả năng tự làm sạch, bố mẹ cần hỗ trợ trong việc chăm sóc răng. Bố mẹ để bé ngồi trên đùi hoặc đứng đằng sau, để đầu bé nghiêng về phía sau và chải răng. Chải răng nhẹ nhàng bằng cách xoay để làm sạch các bề mặt của răng. Không nên sử dụng lực mạnh vì tổn thương men răng và nướu răng. Chú ý chải xung quanh các đường viền nướu của mỗi răng. Bàn chải nên thay ba tháng một lần hoặc có dấu hiệu bị sờn lông bàn chải.
Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ có cách chăm sóc răng miệng phù hợp theo từng độ tuổi. Nên đưa trẻ đến phòng khám nha khoa khám răng định kỳ 6 tháng/1 lần để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý răng miệng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chú ý đến việc chọn lựa bàn chải đánh răng phù hợp với bé và tập cho con thói quen đánh răng chăm chỉ từ nhỏ để có một hàm răng chắc khỏe.