Protein là một chất dinh dưỡng không thể thiếu để trẻ xây dựng cơ thể. Axit amin trong protein có vai trò tạo chất dẫn truyền thần kinh, cung cấp năng lượng, cần thiết cho sự phát triển trí não. Chúng kích thích não bộ, giữ cho não tỉnh táo và tinh thần tập trung hơn.
Các loại đậu và đậu lăng
Đậu và đậu lăng giàu protein, dễ chế biến. Phụ huynh nên chọn loại đậu tự nhiên, không qua tẩm ướp, chế biến sẵn. Một số món ăn dễ chế biến từ đậu lăng như, đậu lăng hấp mềm, xay mịn hoặc nghiền bằng nĩa và pha loãng với một ít sữa mẹ; trộn đậu đã luộc vào các món salad. Các bé lớn hơn có thể ăn trực tiếp đậu luộc đã qua sơ chế.
Thịt bò
Thịt bò chứa nhiều sắt, kẽm và protein. Chúng phù hợp với trẻ mới bắt đầu ăn dặm cũng như trẻ lớn. Với trẻ nhỏ trên 6 tháng, cha mẹ chế biến thịt bò bằng cách xay thịt bò, nấu chín kỹ, cho trẻ ăn kèm với cháo xay nhuyễn. Đối với các trẻ lớn, ăn thô tốt, cắt thịt bò thành miếng nhỏ, mỏng và chế biến thành nhiều món ăn tùy vào sở thích và khẩu vị của trẻ. Ba mẹ nên khuyến khích con ăn thịt bò kèm với các loại rau củ quả như khoai lang, súp lơ hoặc bông cải xanh… để cân bằng các chất dinh dưỡng.
Thịt gà
Thịt gà mềm, dễ chế biến, có thể xé mỏng làm gỏi, xé vào cháo hoặc làm các món ăn như cơm gà, gà quay, gà nướng, gà hấp… Đây là món ăn chứa lượng protein khá cao cho trẻ.
Đậu phụ
Món ăn được chế biến từ đậu nành này vừa tiện, dễ làm, không tốn kém. Đậu phụ cũng có thể chế biến linh hoạt thành nhiều món khác nhau như đậu rán, đậu phụ kho thịt, sốt cà chua. Ngoài ra bạn cũng có thể nấu canh rong biển, canh đậu phụ cà chua hoặc canh sườn đậu phụ.
Cá
Cá vừa giàu omega-3 giúp xây dựng não bộ, vừa giàu protein góp phần giúp trẻ xây dựng cơ thể. Thực phẩm này được các chuyên gia đánh giá lành mạnh cho trẻ em, ít gây dị ứng.
Cha mẹ nên lưu ý, hạn chế cho trẻ ăn các loại cá chứa thủy ngân như cá hồi, cá tuyết, cá thu. Cá có thể chế biến thành nhiều món khác nhau để thu hút trẻ. Cha mẹ nên cẩn thận tán kỹ, kiểm tra độ mềm cá trước khi cho con ăn để tránh hóc xương gây nguy hiểm.
Bơ đậu phộng
Bơ đậu phộng giàu protein, các bác sĩ nhi khoa khuyên các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn các sản phẩm từ đậu phộng sớm và thường xuyên để các bé có khả năng ngăn ngừa dị ứng đậu phộng. Bánh mì bơ đậu phộng, sinh tố bơ đậu phộng, kẹo bơ… Lưu ý, cha mẹ không cho bé ăn bơ đậu phộng nguyên hạt vì các con có thể bị hóc.
Sữa chua
Trẻ mới bắt đầu ăn dặm cũng có thể sử dụng sữa chua như một món ăn quen thuộc mỗi tuần. Đây sẽ là nguồn thực phẩm bổ sung nhiều protein cho trẻ. Nó cũng giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn. Ba mẹ nên chọn sữa chua không đường, trộn sữa chua với hoa quả để tăng lượng protein cung cấp cho con mình.
Nếu thấy trẻ có phản ứng gì khác thường khi sử dụng thực phẩm mới, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc làm các xét nghiệm dị ứng để đảm bảo an toàn cho con. Trẻ nên ăn từng ít một và tăng lượng thức ăn từ từ với những thực phẩm mới để người lớn tiện theo dõi phản ứng của con.